Hướng dẫn đánh giá đề xuất cho Cố vấn Cộng đồng (Community Advisor-CA)

This translation has been made by QuangTV from the original document published by Umed_SKY at Community Advisor’s Guide to Proposal Evaluation
Catalyst được xem là dự án tham vọng nhất của Cardano. Ở dạng đơn giản nhất, Catalyst xác định cơ chế lựa chọn các dự án được tài trợ bởi kho bạc phi tập trung của Cardano thông qua cộng đồng. Có thể nói, đây là sự khởi đầu của một cơ chế quản trị phi tập trung - một tổ chức tự trị phi tập trung (DAO), nơi cộng đồng Cardano cùng nhau đưa ra các quyết định quan trọng cho tương lai của giao thức.

Cứ sau vài tuần, kho bạc Cardano sinh ra một lượng ngân quỹ nhất định và bất kỳ ai cũng có thể đăng ký để được tài trợ cho các dự án của mình. Quá trình này hiện do IOG quản lý nhưng dự kiến sẽ trở nên hoàn toàn phi tập trung vào năm 2021. Để bỏ phiếu cho các dự án được đề xuất, thành viên cộng đồng Cardano phải có tối thiểu 8K ADA, là đơn vị tiền tệ của nền tảng Cardano. Mỗi phiếu bầu tương đương với một ADA.

Trong khi các quyết định cuối cùng được đưa ra trực tiếp bởi những người nắm giữ ADA, hệ thống kho bạc sẽ trích ngân quỹ để khuyến khích các thành viên tham gia cố vấn cộng đồng (CA). Họ là những người giúp sàng lọc các đề xuất. Vai trò của CA là đánh giá và xếp hạng các đề xuất tài trợ dựa trên ba tiêu chí: (i) tác động (ii) tính khả thi (iii) tính minh bạch.

Tại sao cần hướng dẫn này

Khi bắt đầu đưa ra thử nghiệm đầy táo bạo này với cộng đồng, chúng tôi bước vào thế giới kinh tế tài chính mới được kiểm soát bằng luật chơi và nguyên tắc do cộng đồng quyết định. Khi áp dụng nhất quán những nguyên tắc này, nó sẽ giúp chúng tôi quyết định tài trợ tốt hơn, góp phần mang lại thành công cho cả cộng đồng.

Mục đích của hướng dẫn này là giúp những người sắp làm cố vấn Catalyst tiếp cận với một số khái niệm cơ bản và các nguyên tắc tư duy nhận thức đánh giá và cuối cùng là cải thiện chất lượng của các quyết định đầu tư của chúng tôi trên danh nghĩa một cộng đồng.

Mục tiêu cuối cùng là áp dụng một bộ khung phân tích nghiêm ngặt làm nguyên tắc hướng dẫn, điều này sẽ giúp các cố vấn cộng đồng tối đa hóa tác động của họ và giảm thiểu lãng phí tài nguyên cho Cardano. Hướng dẫn này là bước đầu tiên trong hành trình đưa chúng ta đến mục tiêu cuối cùng.

Trách nhiệm của Cố vấn Cộng đồng (CA)

Dù không tuyên bố rõ ràng, nhưng các CA phải hành động có trách nhiệm vì lợi ích tốt nhất cho giao thức Cardano. Điều này phụ thuộc vào tư duy phản biện để đưa ra các đánh giá đầy đủ thông tin và không thiên vị cho bất kỳ đề xuất tài trợ nào. Sự chính trực được cho là thước đo quan trọng cho sự thành công lâu dài của hệ thống ngân quỹ nói chung và Cardano nói riêng.

Mặc dù không thể kiểm tra mọi CA trong môi trường mở của blockchain, nhưng chúng ta phải cố gắng hình thành khuôn khổ các quy tắc cơ bản để các CA thực hiện vai trò một cách nghiêm túc nhằm cho ra các đánh giá có ý nghĩa và mang tính xây dựng. Theo thời gian, chúng ta có thể hy vọng rằng tổ chức phi tập trung này sẽ khuyến khích những người giỏi và sáng giá nhất trong số đó nhận được sự ủng hộ của đông đảo các cổ đông của Cardano thông qua hành vi và chất lượng đánh giá của họ.

Các CA giỏi nhất sẽ là những người cẩn thận xem xét tác động so với tính khả thi và minh bạch của ý tưởng trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Tôi tin rằng kết quả đánh giá trong một thời gian đủ dài sẽ chứng minh được điều đó. Tôi mong muốn ghi lại kết quả này trong sổ cái của Cardano để đánh giá khách quan về hiệu suất của họ về sau.

Tác động (Impact)

Tác động là một trong những yếu tố then chốt xem xét cấp vốn cho “sự đổi mới liên tục” của Cardano. Vậy tác động là gì và tại sao chúng ta không sử dụng các chỉ tiêu đã được kiểm chứng tính đúng đắn khác như tỷ suất sinh lợi nội bộ (IRR) hoặc giá trị hiện tại ròng (NPV)?

Mỗi vòng cấp vốn, cộng đồng Cardano sẽ đưa ra một thách thức tài trợ, có thể coi như là chủ đề tài trợ mà cộng đồng sẽ theo đuổi.

Trong bối cảnh đó thì tác động là một chỉ tiêu đo lường khá rộng, giúp chúng ta xác định và áp dụng nó vào bản chất luôn thay đổi của những thách thức mà không có quá nhiều hạn chế về nhận thức. Trọng tâm của tác động ý tưởng là ROI — lợi ích từ ý định . Nó khác biệt cơ bản so với ROI (lợi tức đầu tư), chỉ đo lường khả năng hoàn vốn bằng tiền. Đánh giá tác động yêu cầu chúng ta xác định các chỉ số phù hợp cho từng thách thức và đo lường kết quả so với các mục tiêu đã tuyên bố của nó.

Chẳng hạn như thách thức trong Fund2 là: “Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích các nhà phát triển và doanh nghiệp xây dựng ứng dụng phi tập trung (Dapps) và kinh doanh trên Cardano trong vòng 6 tháng tới?”

Với thách thức này thì tác động có thể được đo lường bằng số nhà phát triển và các startup đến với Cardano. Tác động ở đây có thể được thể hiện gián tiếp thông qua chỉ tiêu về mức độ nhận thức cũng như trực tiếp thông qua số dAPP và doanh nghiệp được cấp vốn cụ thể.

Khi xem xét về ý nghĩa kinh tế của các quyết định tài trợ vốn này, chúng ta nên tránh chỉ tập trung vào các chỉ số tài chính như IRR và NPV vì chúng có thể gây hạn chế đối với một công nghệ cơ bản, đặc biệt là trong thời kỳ sơ khai này, vốn dĩ chúng ta vẫn đang khám phá tiềm năng của nền tảng Cardano.

Do đó, cần thiết phải xem xét tính tác động, nhưng đòi hỏi chúng tôi phải đưa ra bộ chỉ số đo lường nó cho từng thách thức tài trợ. Quan trọng hơn, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ về cách thiết lập mức ưu tiên và hình thành các thách thức tài trợ cho các vòng cấp vốn tiếp theo. Điều này tôi sẽ đề cập ở mục tiếp theo…

Tháp nhu cầu

Bất kỳ hoạt động kinh tế mà chúng ta quan sát được, đều do con người điều khiển. Cụ thể hơn, theo mong muốn và nhu cầu của chúng tôi. Mỗi ngày có hàng tỷ người tham gia vào các hình thái sản xuất kinh tế khác nhau. Họ sản xuất, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ để đổi lấy tiền. Các hình thức trao đổi này được tạo nên bởi hàng triệu công ty và trung tâm giao dịch. Nền kinh tế toàn cầu là một bản giao hưởng tuyệt đẹp của các tác nhân kinh tế mang đến cho cuộc sống để thỏa mãn nhu cầu của chúng ta từ cơ bản nhất đến cao cấp nhất.

Một mô hình rất cần thiết khi nghĩ đến những điều này là Tháp nhu cầu của Maslowe. Nói một cách ngắn gọn, Tháp nhu cầu mô tả toàn bộ các nhu cầu của con người từ nhu cầu sinh lý rất cơ bản (thức ăn, nơi ở, nước, v.v.) đến nhu cầu tự hoàn thiện để đạt được tiềm năng của một người, tức là giúp mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.

Nếu thực sự muốn hiểu cách đặt ra thách thức, chúng ta cần nghiên cứu Tháp nhu cầu này và lập ra bản đồ các thách thức gồm nhiều thành phần. Một khi chúng ta có mức độ hiểu biết đó (khó có thể cơ bản hơn thế), chúng ta có thể đề xuất các thách thức tốt hơn và đưa ra các chỉ tiêu đo lường cụ thể mức tác động mong muốn mang lại cho Cardano.
image

Nguồn: https://www.simplypsychology.org/maslow.html

Các CA cần tìm hiểu và kết nối các doanh nghiệp, các dAPP hay bất kỳ những ai có nhu cầu cấp vốn. Chọn ra những doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất các nhu cầu cụ thể của chúng ta một cách hiệu quả và hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh.

Khi đánh giá tác động, các CA cần phải hết sức cẩn thận tìm hiểu từng trường hợp và đề xuất cụ thể. Cần đi sâu tìm hiểu rõ từng dự án để đánh giá các đề xuất, thanh lọc từng thành phần dự án riêng lẻ theo mô hình kim tự tháp nói trên.

Nếu chủ đề nằm ngoài khả năng chuyên môn của mình, bản thân các CA nên thành thật thừa nhận điều đó và chuyển sang các đề xuất có thể đánh giá tốt hơn. Cách tốt nhất để hiểu những hạn chế về khả năng của mình là tự nhận thức xem mình có bị bắt buộc phải “đưa ra” một ý kiến phản biện hay không. Tất cả chúng ta đều có những khiếm khuyết nhất định, hiểu được điều đó chính là sức mạnh của trí tuệ chứ đừng xem là điểm yếu của mình.

Quan trọng hơn hết là việc áp dụng mức nhận thức này của các CA sẽ đảm bảo rằng Cardano sẽ ngày càng phát hiện được nhiều ý tưởng mới, giảm bớt những cản trở đổi mới từ những người thiếu năng lực để hiểu và đánh giá đúng các dự án phức tạp. Đây cũng là nơi mà các chuyên gia trong các lĩnh vực có thể đóng góp cho cộng đồng.

Điều muốn nhắc đến là các cố vấn có thể gặp phải đối mặt với việc đánh giá các dự án mang tính khách quan phức tạp hoặc khó nắm bắt. Trong những trường hợp này, các CA có thể tham gia cùng các nhóm đề xuất để thể hiện vai trò của mình. Nếu vẫn không làm rõ được sau nhiều lần tương tác với nhóm đề xuất, sẽ ghi nhận lại những nỗ lực này và các dự án đó phải được gắn cờ là khó đánh giá.

Tính khả thi (Feasibility)

Đánh giá tính khả thi của một đề xuất liên quan đến việc xem xét đội ngũ đứng sau nó, đánh giá ngân sách và cam kết của nhóm tác giả. Tính khả thi của dự án giúp xác định mức độ rủi ro khi triển khai, với giả định có ý tưởng khác có ý nghĩa hơn. Ở bước này, chúng ta không còn chất vấn về tác động của ý tưởng mà tập trung vào việc nó sẽ được triển khai thực tế như thế nào.

Điều này liên quan đến việc xem xét động lực, kinh nghiệm của nhóm, ngân sách và tiến trình thực hiện. Điều này đòi hỏi một mức độ phán đoán của mỗi CA, vì vậy cách tốt nhất là nên tương tác chặt chẽ với nhóm, cố gắng hiểu tất cả vấn đề TRƯỚC khi đánh giá.

Điều mà các CA nên tránh đó là tuýt còi các nhóm về hiệu quả thực thi. Nếu một nhóm có thể làm cùng một khối lượng công việc trong khoảng thời gian ít hơn, không có nghĩa là họ định giá cao mà có nghĩa là họ thực thi tốt hơn.

Tính minh bạch (Auditability)

Mục đích của việc xác định tính minh bạch là để đảm bảo rằng nhóm đề xuất sẽ có cách thức báo cáo để cộng đồng Cardano có thể theo dõi được tiến độ thực hiện. Điều này có thể thay đổi theo từng đề xuất nhưng quan trọng là có thể đo lường được.

Ở đây một lần nữa chúng tôi khuyến khích các CA nên đặt câu hỏi, tham gia với nhóm để xây dựng các chỉ tiêu đánh giá tối ưu nếu cần.

Đây là sự đối trọng giữa các CA và các nhóm đề xuất. Chúng tôi không muốn gây mất thời gian cho việc thu thập và báo cáo công việc chi tiết từng tí một vốn chỉ gây áp lực cho các nhóm đề xuất. Ở đây chúng ta cần tin tưởng nhau là chính và ý thức rằng thời gian và nỗ lực của các nhóm là 1 nguồn lực khan hiếm, nên tận dụng tốt nhất để cho ra sản phẩm cuối cùng thay vì phải đưa ra quá nhiều báo cáo không cần thiết.

Điều muốn nói ở đây là các báo cáo phải bao gồm một bộ chỉ số thể hiện tính tác động và tiến độ thực hiện dự án trong điều kiện cụ thể.

Nguồn lực khan hiếm

Nguồn lực luôn khan hiếm. Đây là khái niệm cơ bản được mọi người nhắc đến trong mọi quyết định liên quan đến kinh tế. Những ai sớm nhận ra sự thật này và đưa ra quyết định tốt hơn theo thời gian chắc chắn sẽ là những người thành công hơn. Thực tế đã chứng minh điều này ở cấp độ quốc gia và ở từng cá nhân.

Những nguồn lực đó là gì? Xét trên cấp độ cá nhân, các nguồn lực có thể được coi là thời gian và năng suất lao động của một người . Năng suất lao động của một người về cơ bản là những gì anh ta có thể làm và thành quả anh ta thu được là bao nhiêu trên thị trường. Năng suất đó thường phụ thuộc vào trình độ kỹ năng của một người thường do sự kết hợp giữa kinh nghiệm thực tế và nền tảng giáo dục quyết định.

Thời gian, con người và tài năng, trong khi các nguồn lực cơ bản không dễ dàng hoán đổi cho nhau, đó là lý do tại sao chúng ta phát minh ra tiền để làm phương tiện trao đổi. Tiền là một nguồn lực . Cụ thể hơn, nó đại diện cho một nguồn lực được công nhận rộng rãi — dễ dàng sử dụng để huy động mọi người và tận dụng tài năng của họ ở quy mô toàn cầu. Đó là một siêu năng lực.

Với các quốc gia, công ty và các nền tảng phi tập trung trực tuyến như Cardano, tiền (hoặc ADA) đại diện cho một nguồn tài nguyên khan hiếm . Tất cả những thứ khác tương đương với ADA đều khan hiếm so hơn tiền pháp định quy đổi. Không giống như tiền pháp định, được thổi phồng với một tỷ lệ nhất định, tỷ lệ lạm phát của ADA sẽ giảm theo thời gian.

Sự khan hiếm tài nguyên giống như sự hạn chế về mặt hệ thống hay là sự sàng lọc dự án theo mức độ ưu tiên trước những thách thức về tài trợ do cộng đồng Cardano đặt ra. Chúng ta nhận ra cấp độ cấu trúc trong mỗi vòng cấp vốn, trong đó lượng ADA sẽ là cố định, tức là khan hiếm trong thời điểm đó.

Tuy nhiên, cũng sẽ hữu ích nếu áp dụng một cái nhìn cao hơn và hiểu được ý nghĩa của các quyết định của chúng ta trong một khoảng thời gian dài hơn, xét đến tổng lượng ADA được tạo ra.

Cách thức đo lường tác động khi đưa ra quyết định là xem tỷ lệ giữa ngân quỹ yêu cầu với tổng lượng ADA phát hành trong một năm và sẽ là cơ sở cho quyết định của chúng ta.

Những điều nên và không nên làm

Nên hiểu rõ các điểm cơ bản của dự án. Nó sử dụng kinh phí cho thách thức như thế nào? Nếu dự án gián tiếp giải quyết thách thức, hãy tự hỏi liệu bạn có hiểu và chấp nhận ý tưởng sâu xa của nó hay không.

Hãy cố gắng hiểu rõ từng dự án trước khi đánh giá. Ngay cả khi nghĩ rằng bạn đã hiểu, hãy thống nhất quan điểm của bạn với nhóm đề xuất. Đây là việc rất quan trọng.

Hãy nghiên cứu kỹ chủ đề trước khi đánh giá dự án. Công việc cố vấn mang lại nhiều lợi ích cho những người ham hiểu biết, làm cho cuộc sống thêm phong phú hơn cả những giấc mơ mà mình cho là điên rồ nhất.

Hãy duy trì một tư duy phản biện, luôn dành sự ngờ vực cần thiết cho các nhóm đề xuất. Luôn đặt câu hỏi cho phán xét của bản thân khi cho đến khi bạn nghĩ cần thiết phải tương tác với các nhóm đề xuất để hiểu rõ hơn.

Đừng đến bữa tiệc vào phút cuối và cố đưa ra nhiều đánh giá nhất có thể. Nó sẽ không giúp ích gì cho hệ sinh thái và chắc chắn sẽ không giúp bạn trở thành một cố vấn tốt. Hành vi này rất dễ bị phát hiện và sẽ không giúp bạn tạo dựng được uy tín lâu dài trong cộng đồng.

Đừng đưa ra các đánh giá kiểu chỉ trích hoặc phê bình các nhóm đề xuất mà không có cơ sở thực tế. Nếu không biết gì để góp ý, tốt hơn hết là bạn nên từ chối đánh giá đề xuất đó. Nếu cơ bản bạn không đồng ý với một đề xuất, hãy luôn cố gắng trung thực để hiểu nó, trước khi đánh giá nó. Nếu bạn có lý do chính đáng để tin rằng một dự án có những thiếu sót cơ bản nghiêm trọng, hãy nói rõ chúng với nhóm đề xuất và cho họ cơ hội phản biện trước khi cho ra đánh giá cuối cùng.

Đừng cố bảo vệ quan điểm của mình dù nó được lập luận chặt chẽ. Hãy cởi mở thay đổi quyết định nếu nhóm đề xuất đã giải đáp thoả đáng những gì bạn quan tâm. Đây là một điều khó khăn vì tất cả chúng ta đều có xu hướng bảo vệ cái tôi của mình khi đưa ra ý kiến. Nếu không loại bỏ được cái tôi ra khỏi tư duy của một cố vấn, bạn sẽ mất đi tính đóng góp xây dựng cho cộng đồng của mình.

Nếu có điều gì sai sót, xin vui lòng phản hồi cho tôi biết.

Trân trọng,

Umed–[SKY]LightPool